Thể thao có thực sự đem lại lợi ích cho con người và xã hội? - Tạp chí văn học Hoa Sen

Breaking

Tạp chí văn học Hoa Sen

Tạp chí văn học Hoa sen


Tin tài trợ

Mật ong Nghệ Curcumin 470g - VIETNAMHONEY

Sale off 16%


 

Dầu gội Hà Thủ Ô - Hỗ trợ giảm rụng tóc hiệu quả





Thursday, January 3, 2019

Thể thao có thực sự đem lại lợi ích cho con người và xã hội?


Thể thao có thực sự đem lại lợi ích cho con người và xã hội?

Thể thao là một trong những ngành công nghiệp giải trí lớn nhất trên thế giới. Chính phủ và cả người dân vẫn chi những số tiền khổng lồ hàng năm cho các sự kiện thi đấu thể thao, điển hình là các giải thi đấu bóng đá thế giới World Cup.
Nếu được hỏi, có lẽ đa phần chúng ta sẽ nói rằng thể dục thể thao đóng một vai trò quan trọng trong đời sống, bởi chúng giúp ta trở nên khỏe mạnh và có những phút giây thư giãn thoải mái. Nhưng liệu đó có đúng là tình thế hiện giờ của xã hội chúng ta?

Có lẽ nào ngoài việc mang lại những lợi ích kể trên, thể dục thể thao, cụ thể là các bộ môn thể thao (bóng đá, bóng rổ, võ thuật, marathon...), cũng mang trong nó những hệ lụy có hại cho con người và xã hội? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!

Nguồn gốc của thể thao

Xuyên suốt lịch sử, thể thao luôn được ghi nhận là một hình thức để người tham gia rèn luyện những kỹ năng về thể lý như chạy, nhảy, khả năng sát thương, khả năng sử dụng vũ khí, công cụ...để phục vụ cho mục đích săn bắn hoặc quân sự.
Một trong những môn thể thao đầu tiên từng được ghi nhận là môn đua xe ngựa tại Ai Cập từ những năm 1,500 TCN.
Đến thời La Mã cổ đại, những hình thức thể thao khác như võ sĩ giác đấu (gladiator), ném lao, ném đá, tập trận giả, đua thuyền, chiến đấu với thú dữ...cũng thường xuyên được tổ chức tại đấu trường La Mã Colosseum - nay là một trong những kỳ quan du lịch tại thành phố Rome, Ý.
Giai đoạn này kéo dài từ năm 80 SCN, thời điểm đấu trường được xây dựng xong, dưới thời của vua Vespasian, đến khoảng thế kỷ thứ 5 SCN.
Được biết, trong vòng hơn 5 thế kỷ, đã có hơn 500,000 đấu sĩ cùng hơn 1 triệu động vật hoang dã bỏ mạng tại đấu trường Colosseum. Những trận giác đấu này đã được ngừng tổ chức vào khoảng năm 523 SCN, khi mà giới chính quyền nhận thấy những thiệt hại đến từ thể thao là quá lớn so với giá trị mà nó mang lại.

Những hệ lụy tiêu cực của thể thao

Như vậy, thể thao rõ ràng có một lịch sử hình thành khá tăm tối, và nó được phát minh nhằm phục vụ những mục đích rất thực tiễn, rất bạo lực, thay vì mục đích giải trí như chúng ta biết ngày nay.
Và trong khi các bộ môn thể thao đã được thay đổi và cải biên rất nhiều theo thời gian, và mức độ bạo lực và nguy hiểm chết người đã thuyên giảm đáng kể so với thời La Mã cổ đại, thì những hệ lụy tiêu cực mà nó để lại cho xã hội dường như chỉ biến đổi từ hình thức này sang hình thức khác. Cụ thể là:

1) Ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý con người

Phần lớn các bộ môn thể thao đều mang tính đối kháng. Cho dù môn thể thao đó là bóng đá, võ thuật, game (thể thao điện tử) hay cờ vua, cờ tướng...thì nhiệm vụ của bạn vẫn là chiến thắng (những) người chơi thuộc phe/đội đối nghịch. Các bộ môn thể thao chính là muốn khuyến khích chúng ta nuôi dưỡng tinh thần thi đua/thi đấu (competitiveness) của mình, nhằm giành chiến thắng.
Ở một mặt, tinh thần thi đấu này có thể giúp gia tăng sự hào hứng. Bởi lẽ phải thừa nhận rằng, con người chúng ta rất "nghiện" cảm giác đối kháng, cảm giác có một thứ gì đó để chống lại. Khuynh hướng tâm lý này cũng được thể hiện qua thị hiếu phim ảnh của chúng ta: đối với người xem, những bộ phim có nhân vật chính diện lẫn phản diện mới là hấp dẫn. Những bộ phim mang yếu tố hành động, bạo lực & chiến tranh cũng rất thu hút người xem. Thể thao, vì vậy, cũng là một phương tiện giúp con người thỏa mãn được nhu cầu này.
Tuy nhiên, "vật cực tất phản". Một khi chúng ta quá bị cuốn vào khía cạnh thi đua/ganh đua này, thì cùng lúc đó những niềm vui khác đến từ thể thao cũng trở nên lu mờ. Về mặt tâm lý, việc quá "nghiện" sự ganh đua có thể khiến chúng ta rơi vào trạng thái mất cân bằng, bởi chúng ta luôn muốn giành chiến thắng trước mọi người, vào mọi nơi mọi lúc.
Nếu không biết cách kìm chế, thói quen tâm lý này có thể khiến cho một người không ngại bất cứ thủ đoạn gì để giành chiến thắng, dù là trong cuộc sống thường ngày hay thi đấu thể thao.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên nhận thức rằng thể thao thực sự không dành cho tất cả mọi người. Hệ lụy này của thể thao có thể được nhận thấy rõ ràng ở các trường học phổ thông. Có những em học sinh, hoặc vì vấn đề sức khỏe, hoặc vì bình sinh không thích những chuyện ganh đua, thi đấu, nên thường không giỏi các môn thể thao. Những học sinh này, do đó, thường sẽ phát triển tâm lý ngại ngùng, thiếu tự tin, vì các em tự cho mình là "kém cỏi" chỉ vì cảm thấy mình không giỏi thể thao.

2) Ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất

Điều này nghe có vẻ ngược đời, nhưng nó lại là một trong những thực trạng đáng buồn của thể thao thời hiện đại. Ảnh hưởng tiêu cực này cũng có liên quan đến tinh thần ganh đua đã đề cập trên, và được thể hiện rõ ràng trong những sự kiện thể thao lớn, nơi tinh thần ganh đua có thể mang lại những nguồn lợi khổng lồ cho những người tham gia.
Một trong những dẫn chứng cụ thể là việc các quốc gia cử vận động viên (VĐV) chuyên nghiệp của họ đi thi đấu ở các giải thể thao quốc tế, nhưng vì quá tham vọng đoạt được giải vô địch, nên đã ép các VĐV của họ luyện tập quá sức. Một trong những quốc gia như vậy là Trung Quốc. Và sự tham vọng, ganh đua quá mức này đã để lại những hậu quả nghiêm trọng & dài hạn cho sức khỏe của các VĐV.
Một ví dụ khác là những cuộc thi chạy Marathon cự ly dài như HCMC Run, Hanoi Half Marathon...Tuy những cuộc thi này được tổ chức nhằm khuyến khích cộng đồng rèn luyện sức khỏe (ngoài mục đích ưu tiên là quảng bá thương hiệu), nhưng nhiều thí sinh không những không có mấy cải thiện về sức khỏe, mà còn...lâm bệnh sau khi tham gia cuộc thi.
Một trong những nguyên nhân có thể là do sự thiếu chuẩn bị, hoặc do chịu áp lực chỉ tiêu số km từ những người xung quanh, điển hình là chỉ tiêu đặt ra từ các sếp lớn ở công ty, trong trường hợp của những cuộc thi nội bộ các công ty tự tổ chức.

3) Ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội

Khi nhắc đến khía cạnh tinh thần thi đua/ganh đua trong thể thao, nhiều người có thói quen lập luận rằng chính nhờ tinh thần ganh đua giữa người với người đã giúp thế giới chúng ta không ngừng phát triển. Thế nhưng quan điểm này có thực sự chính xác?
Ở một mặt, khi nhìn xuyên suốt lịch sử, chúng ta có thể thấy rằng các cuộc cách mạng, các phát minh mới giúp thay đổi thế giới thường được thai nghén thành công vào những giai đoạn khó khăn trong lịch sử. Nhưng có một sự thật là những cuộc cách mạng này, những phát minh này, thường không được kiến tạo bởi chỉ một cá nhân. Hầu hết đều là thành tựu của những cố gắng tập thể (group effort) của một nhóm người, một tổ chức, một quốc gia...Rõ ràng ở đây, tinh thần đồng đội đóng vai trò quan trọng hơn hẳn tinh thần ganh đua.
Vậy những môn thể thao đồng đội thì sao? Không phải chúng rất có ích trong việc phát triển khả năng group effort ở con người đó sao?
Đúng, nhưng chưa đủ. Những môn thể thao đồng đội có thể phần nào giúp phát triển tinh thần đồng đội nơi người chơi, nhưng bản thân chúng vẫn là những môn thể thao. Một đội vẫn cần phải chống lại một đội khác để giành chiến thắng. Cái yếu tố ganh đua, chia rẽ vẫn nằm nguyên đó, chỉ khác về hình thức thể hiện. Và có lẽ chúng ta cũng không xa lạ gì với những câu chuyện về các cổ động viên quá khích, vì đội bóng của họ, quốc gia của họ không thể giành chiến thắng mà đã có những hành động không đáng có.

Ở một khía cạnh khác, như đã đề cập ở mục 1, việc cạnh tranh quá mức có thể khiến cho nhiều người có nhận thức lệch lạc về việc thi đấu thể thao, và khiến họ không từ bất cứ thủ đoạn nào để giành chiến thắng. Ở phương diện cá nhân, vấn đề này có thể gây ra một vài chứng bệnh tâm lý cho con người, như đã đề cập ở mục 1. Nhưng ở khía cạnh xã hội, vĩ mô hơn, nó có thể, và thực tế là, đã và đang tạo ra một "văn hóa gian lận", "văn hóa doping"(việc sử dụng các chất kích thích bị cấm trong thi đấu thể thao) toàn xã hội.

4) Ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tâm linh

Có lẽ không phải ai cũng quan tâm đến khía cạnh này, nhưng đối với những người có quan tâm & thiên hướng sống tâm linh, thì việc kích hoạt và nuôi dưỡng tính ganh đua, cái cảm giác sướng khoái của bản ngã mỗi khi giành chiến thắng trước đối thủ...chính là một trong những rào cản lớn nhất trên hành trình tâm linh của họ.
Nếu như lối sống tâm linh khuyến khích con người buông bỏ cái tôi, cái cảm giác về sự tách biệt giữa họ và thế giới xung quanh, giữa họ và những con người khác, những cái tôi khác, để có thể hòa nhập làm một với vũ trụ...thì cái tinh thần ganh đua trong thi đấu thể thao có vẻ như đang đi ngược lại hoàn toàn với định hướng đó.
Tuy nhiên, thể dục thể thao, nếu được sử dụng đúng cách, và đúng mức độ, thì sẽ có thể mang lại cho chúng ta những lợi ích lớn về mặt sức khỏe thể chất và cả tâm linh. Câu chuyện về hành trình ngộ đạo qua việc nhịn ăn (tuyệt thực) của Đức Phật cũng đã cho ta thấy rằng việc phớt lờ khía cạnh sức khỏe thể chất cũng sẽ khiến cho việc tu tập, hành thiền của chúng ta gặp khó khăn. Như vậy, mấu chốt ở đây là sự vừa đủ về mức độ, hay quy tắc "Trung Đạo" (Middle Way) trong Phật Giáo (mời bạn đọc tìm hiểu thêm tại đây).
Một ảnh hưởng tiêu cực khác của thể thao đối với vấn đề tâm linh được thể hiện rõ ràng qua những môn thể thao bạo lực, ví dụ như boxing, đô vật (wrestling), các bộ môn võ thuật, bóng bầu dục (american football), và thậm chí là những bộ môn rất quen thuộc với chúng ta như bóng đá, bóng rổ...Đúng vậy, phần lớn các môn thể thao đều mang tính bạo lực. Mục đích ra đời của thể thao là để giúp con người rèn luyện các kĩ năng săn bắn và tập trận quân sự, bạn đọc còn nhớ chứ?
Việc cố tình hoặc vô tình gây chấn thương cho đối thủ là quá bình thường đối với các bộ môn thể thao trên, và tất nhiên nó không phải là một hành động được lối sống tâm linh khuyến khích.

Lời kết

Công bằng mà nói, các môn thể thao mang trong chúng những lợi ích nhất định. Điển hình là thông qua việc chơi thể thao cùng nhau, các cá nhân có dịp được tìm hiểu và kết thân với nhau hơn. Về khía cạnh rèn luyện sức khỏe, rõ ràng thể thao hoàn toàn có thể được thay thế bằng thể dục. Thậm chí những bộ môn như yoga, thiền định, v.v...cũng được cho là có thể đem lại lợi ích không kém đến với sức khỏe người tập.
Bài viết này không phủ nhận những lợi ích nhất định mà các bộ môn thể thao có thể mang lại cho con người, nhưng rõ ràng là ở đây, chúng ta đang phải đối mặt với một tình huống "lợi bất cập hại". Những hệ lụy tiêu cực, cả gián tiếp lẫn trực tiếp, mà thể thao đã và đang tạo ra cho chúng ta, trong cả 4 khía cạnh đã phân tích trên, có vẻ như đang lấn át những lợi ích mà nó mang lại.
Theo bạn thì thể thao nhìn chung mang lại nhiều lợi ích hay ảnh hưởng tiêu cực hơn cho con người & xã hội? Tại sao? Hãy cùng chia sẻ trong phần bình luận dưới đây nhé!

No comments:

Post a Comment