CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ “ HẠT NGỌC ” CỦA TRẦN DUY HẠNH - Tạp chí văn học Hoa Sen

Breaking

Tạp chí văn học Hoa Sen

Tạp chí văn học Hoa sen


Tin tài trợ

Mật ong Nghệ Curcumin 470g - VIETNAMHONEY

Sale off 16%


 

Dầu gội Hà Thủ Ô - Hỗ trợ giảm rụng tóc hiệu quả





Thursday, January 24, 2019

CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ “ HẠT NGỌC ” CỦA TRẦN DUY HẠNH

CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ “ HẠT NGỌC ”
Trần Duy Hạnh 

Trên tay tôi đang cầm cuốn TÁC PHẨM MỚI số 20 Xuân Kỷ Hợi mới xuất bản những ngày cuối 01/2019 . Những bài viết của các tác giả các vùng miền về mọi chủ đề mà trong đó chủ đề về Mùa Xuân khá nhiều .
Trong khi chờ đón giao thừa Xuân Kỷ Hợi, tôi đọc ngay những bài viết về Mùa Xuân, thật là vui và đầy hứng khởi . Trong đó có bài thơ HẠT NGỌC viết về trẻ em khiến lòng tôi miên man những cảm xúc …
Bài thơ như sau :
HẠT NGỌC
Mưa Xuân đang tý tách
Thả long lanh xuống đây
Có hạt đọng lá cây
Có hạt thấm lòng đất
Sợ hạt ngọc rơi mất
Bé vội vã giơ tay
Hứng giọt mưa tràn đầy
Trong lòng tay bé bỏng
Những giọt đầy căng mọng
Vừa đầy ắp tay em
Nâng niu ghé mắt xem
Lấp lánh hình ai đó
Nhưng mà thật rất khó
Giữ được nước trong tay
Vậy mà Bé hứng đầy
Lấp lánh toàn hạt ngọc .
#
Bài thơ nhỏ này chỉ có 4 khổ thơ loại 5 chữ, có gì đó na ná loại thơ đồng dao ba chữ, bốn chữ ... của con trẻ chúng tôi ngày xưa, vần điệu dễ thuộc .
Ngay câu đầu tiên đã cho ta thấy bối cảnh câu chuyện là mưa ngày Xuân, mưa đang nhỏ giọt tý tách, tý tách … cái mùa Xuân hay có mưa phùn bay bay, giăng mắc mờ ảo những làn sương đọng thành giọt bám trắng đầy trên cỏ cây hoa lá và các đồ vật ngoài trời . Chính sự tích tụ của loại sương mưa phùn ấy cứ lấm tấm bay và rồi thành giọt, thành giọt theo mái gianh hiên nhà thân yêu của Cô Bé mà “ tý tách … thả long lanh xuống …”, sự chăm chú chờ đợi giọt mưa rơi của Cô Bé làm ta cảm nhận được sự ngạc nhiên, háo hức mong chờ phần quà tặng của Mẹ Thiên nhiên dành riêng cho Bé .
Trong đôi mắt trẻ thơ trong veo của Cô Bé ngắm nhìn cái hạt nước mưa long lanh ấy, nó cứ long lanh, lấp lánh tuyệt vời … và tự nhiên một ý nghĩ rất ngây thơ của Cô Bé liên tưởng rằng đó chính là Hạt Ngọc quý báu của Đất Trời Mùa Xuân ban tặng cho mình ! Cái đáng yêu của trẻ thơ chính là những sự liên tưởng rất phong phú và đầy ấn tượng như vậy ….
Thế là vì : “ … Sợ hạt ngọc rơi mất ” mà Cô Bé đã có phản xạ rất tự nhiên với hành động cuống quýt vội vàng đáng yêu: “ Bé vội vã giơ tay – Hứng giọt mưa tràn đầy – Trong lòng tay bé bỏng …” .
Vâng ! Lấy tay vội vã hứng nước, không phải lấy đồ vật nào đó đựng nước …. Chính điều này thể hiện ý nghĩ bất chợt của Cô Bé về Giọt nước – Hạt ngọc … với hành động rất bản năng của con trẻ khi vội vã, khi sợ mất đi cái gì đó rất đẹp đẽ, rất tuyệt vời mà nó chợt thấy, chợt phát hiện ra …
Cái sự rối rít, cuống quýt, vội vã giơ tay hứng giọt nước mưa ấy tưởng như rất bình thường của trò nghịch ngợm con trẻ … nhưng đặt trong sự tiếp nối ở khổ thơ thứ ba, ta mới hiểu rõ thêm được sự hào hứng, thích thú, nâng niu trân trọng những hạt ngọc diệu kỳ vừa hứng được trong lòng tay của Cô Bé là vì sao ? Vì trong đó ( Với sự liên tưởng ngây thơ chợt tới ) Cô Bé thấy trong những hạt ngọc căng mọng đó có “ Lấp lánh hình ai đó ! ” - Hình của ai ? Tôi cũng chắc rằng Cô Bé không thể ngờ hình ảnh trông tựa cô Tiên lộng lẫy, lấp lánh, long lanh tuyệt vời …trong hạt ngọc đó chính là sự phản chiếu gương mặt thân yêu, thánh thiện của Bé trong tấm gương bóng nước Mùa Xuân . Từ sự chơi đùa với hạt nước mềm mại, cùng sự liên tưởng rất nữ tính ấy mà ta có thể đoan chắc Cô Bé này độ tuổi bắt đầu vào Trường Tiểu học và với lứa tuổi ấy thì sự suy nghĩ tiếp theo rất logich của Cô Bé là sự phân vân, sự khó khăn khi muốn “ Giữ được nước trong tay ”, giữ được những Hạt ngọc mùa Xuân có hình Bé trong đó …
Bài thơ ngắn “ Hạt nước” đã cho ta cảm nhận nhiều điều muốn nói về tính cách ngây thơ con trẻ, về sự suy nghĩ vô tư trong sáng và háo hức của chúng trước hiện tượng kỳ thú của thiên nhiên : Mưa Xuân .
Bài thơ tạo cho ta ấn tượng đẹp về cuộc sống yên bình hạnh phúc của một gia đình có những đứa trẻ bé bóng, rất vô tư ngộ nghĩnh … luôn thấy được niềm vui trong cuộc sống đời thường với những liên tưởng ngây thơ trong mỗi trò chơi, mỗi sự kiện mà chúng chứng kiến . Cũng qua đây ta càng thấy trách nhiệm của người lớn trong cuộc sống phải có nhận thức và hành động “ Tất cả vì trẻ thơ thân yêu” để các cháu có được tuổi thơ đầm ấm, vui tươi, đầy ắp những kỷ niệm về tuổi ấu thơ, giúp chúng sau này luôn trân trọng, yêu quý, gắn bó với gia đình và quê hương nơi chúng được sinh ra ./.
( 24/01/2019 )

No comments:

Post a Comment