Top 10 bài thơ hay của Hàn Mặc Tử - Tạp chí văn học Hoa Sen

Breaking

Tạp chí văn học Hoa Sen

Tạp chí văn học Hoa sen


Tin tài trợ

Mật ong Nghệ Curcumin 470g - VIETNAMHONEY

Sale off 16%


 

Dầu gội Hà Thủ Ô - Hỗ trợ giảm rụng tóc hiệu quả





Thursday, February 7, 2019

Top 10 bài thơ hay của Hàn Mặc Tử

Top 10 bài thơ hay của Hàn Mặc Tử

Ảnh đính kèm


Hàn Mặc Tử (1912–1940) tên thật Nguyễn Trọng Trí, tên thánh là Pierre, sinh ở làng Lệ Mỹ, huyện Đồng Lộc, Tỉnh Đồng Hới (nay là Quảng Bình) trong một gia đình công giáo nghèo, cha mất sớm. Thuở nhỏ sống và học tiểu học ở Quy Nhơn, học trung học ở Huế, sau làm ở Sở Đạc Điền, bị thôi việc vì đau ốm. 1934-1935 theo Thúc Tề vào Sài Gòn làm báo (viết báo Công luận, phụ trách trang văn báo Sài Gòn), về sau lại trở ra Quy Nhơn. 1936 bị mắc bệnh phong, phải vào nhà thương Quy Nhơn và qua đời ở đó.

Hàn Mặc Tử làm thơ sớm, 14 tuổi đã làm thơ Đường luật đăng báo với bút danh Minh Duệ Thị. 1930 đoạt giải nhất trong cuộc thi thơ do một thi xã tổ chức. Cùng Chế Lan Viên lập trường thơ Loạn, tuyên ngôn là bài tựa cho tập Điêu tàncủa Chế Lan Viên. Với các bút danh Phong Trần, Lệ Thanh và cuối cùng là Hàn Mặc Tử, đăng bài trên các báo Phụ nữ tân văn, Tiếng dân, Công luận, Tân thời, Đông Dương tạp chí, Người mới, Trong khuê phòng, Sài Gòn, v.v... Sinh thời Hàn Mặc Tử mới xuất bản được Gái quê (1936). Xin giới thiệu những bài thơ hay của ông.


Bài 1: Đây thôn Vĩ Dạ


Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra...
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?

Tiêu đề bài thơ có nơi ghi là Đây thôn Vĩ Giạ, hay Ở đây thôn Vĩ Giạ. Bài thơ đã được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

Nguồn:
1. Đau thương, NXB Hội Nhà văn, 1995
2. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004


Kết quả hình ảnh cho hình ảnh thôn vĩ dạ
Ảnh thôn Vĩ Dạ (ST)


Bài 2: Mùa xuân chín


Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi;
- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi...

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây,
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây...

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:
- “Chị ấy, năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”

Bài thơ này từng được sử dụng trong SGK Văn học 8 giai đoạn 1990-2002.

Nguồn:
1. Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 1988
2. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh mùa xuân
Ảnh minh họa (ST)

Bài 3: Những giọt lệ


Trời hỡi, bao giờ tôi chết đi?
Bao giờ tôi hết được yêu vì,
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tựa si?

Họ đã xa rồi khôn níu lại,
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa...
Người đi, một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.

Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
Sao bông phượng nở trong màu huyết,
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?


Nguồn: Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh giọt lệ
Ảnh minh họa(ST)

Bài 4: Đà Lạt trăng mờ
Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu,
Trời mơ trong cảnh thật huyền mơ.
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt,
Như đón từ xa một ý thơ.

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hồ reo.
Để nghe tơ liễu run trong gió,
Và để xem trời giải nghĩa yêu.

Hàng thông lấp loáng đứng trong im,
Cành lá in như đã lặng chìm.
Hư thực làm sao phân biệt được?
Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm.

Cả trời say nhuộm một màu trăng,
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng.
Không một tiếng gì nghe động chạm,
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng!

Nguồn: Trần Thanh Mại, Hàn Mạc Tử (1912-1940), NXB Văn học, 2006


Bài 5: Em sắp lấy chồng

Được tin em sắp lấy chồng
Anh cười đã lắm, anh buồn cũng ghê.
Em ơi, em nuốt lời thề
Anh lầm anh tưởng gái quê thật thà.


Nguồn: Hành trình đến với Hàn Mặc Tử, Dzũ Kha, NXB Hội nhà văn, 2005
Kết quả hình ảnh cho hình ảnh Đà lạt đêm trăng
Ảnh Đà Lạt Đêm trăng (ST)

Bài 6: Trăng vàng trăng ngọc
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng Trăng!
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò...
Bao giờ đậu trạng vinh quy đã
Anh lại đây tôi thối chữ thơ.

Không, Không, Không! Tôi chẳng bán hồn Trăng.
Tôi giả đò chơi, anh tưởng rằng
Tôi nói thiệt, là anh dại quá:
Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang.

Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!
Trăng sáng trăng sáng khắp mọi nơi
Tôi đang cầu nguyện cho trăng tôi
Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi
Trăng mới là Trăng của Rạng Ngời
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh Đà lạt đêm trăng
Ảnh minh họa (ST)

Bài 7: Tương tư

Gió xuân đi khỏi bao giờ,
Tấc xuân với tấm lòng thơ não nùng.
Hỏi mình, mình có nhớ nhung,
Bao la non nước một vùng nước non.
Quen nhau từ thuở đào non,
Biết nhau từ thuở trăng tròn, ai ôi!
Hương thơm bay mất đi rồi,
Mỗi lần hoa nở gây mùi yêu đương.
Chiêm bao thấy mặt chán chường,
Tỉnh ra hoảng hốt, hỏi nường, nường đâu!
Sao trong giai tiết mà sầu,
Rưng rưng nước mắt ai hầu lau cho?

Mở miệng không ra, những nghẹn ngào,
Tương tư sầu ấy cực làm sao!
Nghe chim anh võ kêu buồn đáp,
Thấy bóng đông quân tới biếng chào.
Đứng sững ngoài hiên mà tưởng tượng...
Ngồi thừ trước án để chiêm bao.
Mặc cho hoa rụng bay tơi tả,
Lẩm bẩm: "Em ơi, khổ thế nào"!

Nguồn: Báo Công luận, số 6796, ngày 30-3-1935

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh Đà lạt đêm trăng
Tương tư (ST)

Bài 8: Gái quê
Xuân trẻ, xuân non, xuân lịch sự
Tôi đều nhận thấy trên môi em
Làn môi mong mỏng tươi như máu
Đã khiến môi tôi mấp máy thèm

Từ lúc tóc em bỏ trái đào
Tới chừng cặp má đỏ au au
Tôi đều nhận thấy trong con mắt
Một vẻ thơ ngây và ước ao

Lớn lên, em đã biết làm duyên
Mỗi lúc gặp tôi che nón nghiêng
Nghe nói ba em chưa chịu nhận
Cau trầu của khách láng giềng bên


Nguồn: Hàn Mặc Tử, Gái quê, NXB Hội nhà văn, 1995

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh gái quê
Gái quê (ST)
Bài 9: Buồn thu
Ấp úng không ra được nửa lời
Tình thu bi thiết lắm thu ơi
Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt
Hiu hắt hơi may thoảng lại rồi.
Nằm gắng đã không thành mộng được
Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thôi
Ngàn trùng sương toả, cây e lạnh
Chỉ có thông kia chịu với trời.

Nguồn: Lê Thanh thi tập, NXB Hội Nhà Văn, 1995 

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh buồn thu
Buồn thu (ST)

Bài 10: Bán túi thơ

Ai mua ta bán túi thơ đây
Đổi lấy tiền tiêu với tháng ngày
Vay mãi non sông coi hổ mặt
Mượn hoài trời đất đã quen tay
Xuân về bố thí năm ba chữ
Tết lại tiêu pha sáu bảy bài
Nhắn khách văn chương trong bốn bể
Bằng lòng mua lấy trả tiền ngay


Nguồn:
1. Hàn Mặc Tử trong riêng tư, Nguyễn Bá Tín, NXB Hội Nhà Văn, 1994
2. Lê Thanh thi tập, NXB Hội Nhà Văn, 1995
Kết quả hình ảnh cho hình ảnh bán túi thơ
Ảnh minh họa (ST)

Thế giới thơ Hàn Mặc Tử khá phức tạp, trong khoảng hơn 10 năm Hàn Mặc Tử đi từ thơ luật Đường cổ điển qua lãng mạn đến ít nhiều tượng trưng, siêu thực. Tập Gái quê và một số bài trong Đau thương cảm xúc trong trẻo, lời thơ nhẹ nhàng, tứ thơ bình đị, tình ý nồng nàn rạo rực, nhưng càng về sau này thơ càng kinh dị, huyền bí và đượm màu sắc tôn giáo. Những đau đớn về thể xác về linh hồn để lại những dấu tích rõ rệt trong tác phẩm.

No comments:

Post a Comment