CHUYẾN ĐI XA - VŨ HOÀNG - Tạp chí văn học Hoa Sen

Breaking

Tạp chí văn học Hoa Sen

Tạp chí văn học Hoa sen


Tin tài trợ

Mật ong Nghệ Curcumin 470g - VIETNAMHONEY

Sale off 16%


 

Dầu gội Hà Thủ Ô - Hỗ trợ giảm rụng tóc hiệu quả





Monday, April 12, 2021

CHUYẾN ĐI XA - VŨ HOÀNG

CHUYẾN ĐI XA...
Vũ Hoàng
Kết quả hình ảnh cho khăn gói quả mướp


_Em à! ở nhà coi hai đứa nhỏ nghe, tui tính theo anh em xuống Cà Mau kiếm việc làm, ở đây hổm rày không ai mướn, ăn toàn rau với ốc, tội hai đứa nhỏ quá!
Tím đang ngồi chồm hổm cúi xuống thổi vô cái lò bể khói um, vẽ mặt già trước tuổi khắc khổ nám đen, tóc tai vàng hoe xơ xác! Tím bỏ chút muối hột màu đen đen vô cái chảo bể sứt quai lượm ở gốc cây giả tỵ có cái miễu nhỏ xập xệ đầu làng, trong chảo có mớ còng bắt hồi sáng rang qua, rang lại...khói um vì củi tươi, vừa lấy vạt áo rách lau nước mắt vừa nói:
- Anh tính chừng nào đi, mà nhắm có mần ăn gì được ở dưới đó không?
- Ngày mai tui đi
- Chèn ơi! Cái gì bất tử vậy?
- Thì hồi trưa tui xuống xóm dưới kiếm coi có ai mướn mần gì không thì gặp năm Tẹt với hai Cóc, hai thằng chả rủ tui đi, nói ở dưới nhiều việc lắm.
_ Mà giò cẳng anh như vầy có theo được người ta không?
_ Có tiền tui mần tuốt hết
_ Tui nghe nói ở dưới muỗi mòng dữ lắm, mà có cả cá sấu nữa!
_ Mấy thằng chả năm nào mùa nầy cũng đi có chết ai đâu, dìa lại có tiền, tại tui có tật nên nên không ai rủ đi! Năm nay chắc thiếu người mới rủ tui, kệ bà! ráng làm kiếm tiền mua quần áo mới cho bà, với con Nâu thằng Tí, lớn rồi mặc áo khín đã rách nát, quần không có ở truồng suốt ngày!
Tím nhìn chồng thở dài xót xa, mình mẩy ốm nhom chân bị què! Tánh tình hiền lành nhưng không lanh lợi bằng người ta! Ở đây đã ít người mướn làm, đi xa rồi sao? phần vợ chồng cũng chưa có lần nào xa nhau....
Tư khập khiễng bước tới dựa cửa chòi mặt buồn hiu, nhìn lên mái lợp bằng lá dừa nước bị sâu ăn lỗ chỗ trống thấy cả trời xanh, tay se điếu thuốc giồng bằng miếng giấy báo vàng khè, điếu thuốc nhìn giống như cây kèn nhỏ, lấy cái hộp quẹt cũ bằng nhôm, mở nắp xẹt xẹt vài cái, ngọn lửa yếu ớt cháy lên, Tư châm điếu thuốc, khói bốc lên mùi khét lẹt.
Tư thở dài nhìn xuống cái chân tàn tật của mình bị trâu húc lúc còn nhỏ! lê lết cả một đời nhưng cũng nhờ vậy không bị bắt lính, khỏi phải vô bưng. Ngày làm mướn, bữa có bữa không! Ban đêm lại phải đi đào đường, đắp mô...
Hết chiến tranh, trai làng chết gần hết mới kiếm được cô vợ cũng nghèo khổ như mình! Tư còn nhớ ngày đám cưới, bà con tới chia vui le hoe vài người, đãi tiệc bằng một con vịt và hai chai rượu đế. Cô dâu mặc chiếc áo bà ba bông cũ đã nhạt màu, chú rể mượn được cái áo sơ mi trắng đã ngã màu cháo lòng, cả hai đều đi chân không, mặt mày ngơ ngác.
Đêm tân hôn trời mưa rã rít, dột ướt cái giường tre ọp ẹp, hai đứa ngồi nép trong  góc giường nhìn nhau ngượng ngùng qua ánh chớp của mưa đêm...rồi hai vợ chồng đùm bọc với nhau trong cái chòi vịt xơ xác...Rồi lại có con lại càng nghèo xác xơ...
Tư nhìn ra cánh đồng còn trơ gốc rạ, mấy con còng đỏ rượt đuổi nhau quanh những vũng xình còn chút nước, cá thòi lòi trơ mắt nhìn lủ chuồn chuồn bay vật vờ trên ruộng, nhảy loi choi rượt theo. Xa xa đám cò trắng đang cặm cụi kiếm ăn, thỉnh thoảng cả đàn lại bay lên làm xao động cánh đồng cô quạnh. Tiếng chuông chùa công phu rời rạc tan vào không gian sương mù bàng bạc giăng giăng che mờ ánh sáng còn sót lại của buổi hoàng hôn...
Trong cái chập choạng của bức tranh tối sáng bóng hai đứa nhỏ gầy teo...con Nâu mặc cái áo rách bươm của mẹ, đầu tóc vàng khè khét nắng, khuôn mặt choắt lại. Thằng Tí cũng gầy nhom, đã năm tuổi nhưng đi chưa vững, mặc cái áo củng cởn không còn nút để lòi cái bụng ỏng, hai cái chân khẳng khiu teo nhách mốc cời. Hai đứa ngồi nhóc mỏ thèm thuồng chờ nồi cơm nấu bằng lúa mót được hôm qua, giã trong cái nón sắt cũ mà Tư lượm được cùng với cái bình nước bằng nhôm méo mó trên cánh đồng hoang mấy năm về trước, là tài sản duy nhất trong cái chòi vịt rách nát.
Trời tối, hai đứa nhỏ co ro trong ổ rơm ngủ say sưa, cây đèn dầu làm bằng lon sữa bò leo lét cháy, run run theo cơn gió lùa xuyên qua vách lá đơn sơ, tiếng côn trùng rền rĩ bên ngoài, thằn lằn tắc lưỡi làm không gian chết lặng trong đêm. Tư lên tiếng:
_ Tui đi rồi tới giỗ má, em qua tiệm dì hai Mẹo mua chịu bó nhang dìa tui trả tiền, dắt hai đứa nhỏ ra lạy tía má, kêu tụi nó nhố cỏ trên mả ông bà nội, tui dìa dắp thêm đất để lạng mất, tội hai ông bà, cả đời lam lủ ngoài đồng, chết cũng nằm phơi mưa nắng ngoài đó!
_ Chuyện đó để tui lo, anh lo cái chưn què của anh, liệu sức mà làm, ráng rồi nằm đó khổ vợ khổ con! Anh đi sao tui lo quá!
Trời tối đen muỗi bay vo ve, tiếng đập muỗi, tiếng hít hà rên siết trong hạnh phúc của hai vợ chồng còn có được để nương nhau mà sống....ngoài trời mưa lắc rắc, ếch nhái ễnh ương kêu buồn não ruột....

Qua một ngày đêm lắc lư trên sóng nước, chiếc ghe nhỏ của hai Tẹt chở bốn anh em xuôi nam. Hai Tẹt, năm Cóc, út Đực và Tư, một người lái còn mấy người kia ngồi chen chúc trong chiếc mui che nhỏ bằng lá chằm, tiếng máy đuôi tôm vật vã nhấp nhô trên những đợt sóng vượt qua sông Cái Côn đầy nguy hiểm để vào kinh xuôi dòng đi xuống Cà Mau....
Chạy ngang Ngả Bảy thấy ghe xuồng tấp nập, trái cây đủ màu sắc, Tư lần đầu mới đi đến đây, thấy rất vui mắt:
_ Chỗ nầy là chỗ nào mà thấy vui vậy anh hai?
_ Là chợ nổi ngả bảy Phụng Hiệp, ghe xuồng tứ xứ tập trung ở đây để buôn bán.
_ Còn bao xa nữa mới tới chỗ mình làm mướn anh Hai?
_ Hơn một ngày đường nữa, thôi tấp vô kiếm chỗ đậu ghe nấu cơm ăn ngủ qua đêm, tờ mờ sáng đi tiếp chạy đêm cũng nguy hiểm.
Đêm trên dòng ngả bảy, tiếng máy cát xét hát vọng cổ nghe buồn hiu, tiếng rao những chiếc ghe bán chè cháo trên sông nghe lanh lảnh...cơn buồn ngủ ập đến thân xác cả ngày dập vùi sóng gió làm Tư nằm giữa trời ngủ mê mệt.
Trời vừa sáng, ghe đã chạy trên kinh Cái Côn thẳng xuống Cà Mau, gần  đến trưa đã đến thị xã, trên sông ghe xuồng tấp nập, mấy chiếc vỏ lãi dài ngoằng chạy nhanh như ca nô rẽ sóng nhồi mấy chiếc ghe nhỏ nhừ tử! Nhà sàn hai bên sông lòi những cây cột tràm khẳng khiu chịu cả đời sóng nước, vùng nầy đường bộ chưa phát triển, giao thông chính là đường thủy, tiếng máy nổ,  tiếng rao bán làm náo động cả khúc sông. Mấy trại đóng ghe dọc theo sông đang đóng những chiếc ghe tam bản lườn bằng đặc điểm của vùng nầy để kéo được qua những cái đập giữ được nước ngọt trong kinh quanh năm.
Hai Tẹt lái ghe luồn lách qua chợ nổi trên sông Ông Đốc chạy về hướng ngả ba Tắc Thủ, nơi đây sông chia làm hai nhánh, một nhánh đi về hòn Đá Bạc, một hướng về U Minh, Thới Bình. Qua ngả ba sông, hai Tẹt lái ghe rẽ vào con kinh khá rộng thẳng tắp, hai bên bờ là cánh đồng bao la, nhưng chỉ là năng và lát mọc, mới nhìn như lúa, nước trên kinh độ.phèn rất cao, trong vắt nhìn thấy đáy nhưng không thấy một con cá nào! Không một cái chòi vịt nào hết...
Ghe chạy gần ba tiếng nắng buổi trưa như đổ lửa không một bóng cây bên bờ, hai Tẹt lại cho ghe rẽ vào 1 con kinh khác, hai bên bờ thấy lác đác mấy căn nhà lá lụp xụp, vài đứa trẻ ở truồng, bụng ỏng như heo mọi chạy theo ghe chỉ chỏ.
_ Khu kinh tế mới đó Tư, mầy có muốn xuống đây lập nghiệp không? Hai Tẹt hỏi?
_ Tui thấy có gì hơn trên mình đâu, lại phải sống xa quê,  mồ mả ông bà còn đó, có khổ cũng phải bám đất mà sống. Tư trả lời rồi lại hỏi:
_ Nước ở đây có màu ngộ quá anh Hai! Nó có màu như cà phê lợt?
_ Ở đây người ta gọi là nước Dớn do lá tràm tích tụ lâu năm, trong rừng tràm chảy ra, chừng nào mày thấy nước đậm màu như cà phê đen là tới.
Trời đã về chiều, ghe vẫn lầm lũi chạy trên con kinh màu nâu đậm, hai bên tràm mọc chen chúc,  tàn lá che bớt ánh nắng yếu ớt còn đọng trên lá cây. Muỗi từng đàn bay theo ghe, tiếng đập muỗi, tiếng chửi thề vang lên trong mui ghe.
_ Tụi bây có nước chui vô nóp nằm mới khỏi bị chích, nhưng mà không sao muỗi cắn ngứa chút nhưng không độc. Hai Tẹt nói với vẽ sành sõi vùng đất nầy.
Hai bên bờ đom đóm đeo đặc trên cây sáng nhấp nháy như đèn đêm của khu vui chơi, cá nhảy lên đớp muỗi kêu lóc chóc.
Tư chợt hỏi:
_ Trời tối quá rừng rậm không thấy ớn quá, có cá sấu không mấy cha?
_ Giờ mà gặp cá sấu là ngon cơm, có tiền xài phẻ re! Có con nào bị thịt con nấy làm gì mà còn, út Đực cười hề hề nhe hàm răng sáng trắng trong đêm.
Trời đen như mực, phải dùng đèn pin rọi mới thấy đường cho ghe chạy, xa xa thấy ánh đèn có vẽ như tập trung đông đúc, hai Tẹt la lên vui mừng:
_ Tới rồi tụi bây ơi!
Một lúc sau hai Tẹt tắt máy đuôi tôm từ từ cập vào sán của một cái quán cất chồm ra mặt kinh.

 Năm Cóc lấy nhảy lên sàn quán kéo ghe cột lại, Tư nôn nao háo hức đến vùng đất lạ, ba người bước lên quán, Tư cũng khập khiễng bước lên theo. Hai Tẹt, năm Cóc và út Đực kéo ghế ngồi xuống bàn, Tư có vẻ chần  chừ vì trong túi chỉ có vài ngàn Tím vét đưa hết để làm lộ phí, trên đường đi anh em cũng biết hoàn cảnh của Tư nên cũng không kêu Tư đóng góp gì, hai Tẹt nói:
_ Ngồi xuống đi làm một xị cho ấm bụng, tụi tao bao, mai mốt mần có tiền  bao lại tụi tao.
Trong quán nhờ ánh đèn  "măng sông" nên cũng sáng như đèn điện, những con thiêu thân điên cuồng lao vào đèn chết la liệt trên sàn. Một chậu than khói tỏa bay khắp quán, mùi cá khô, mùi xăng dầu, mùi rượu...trong quán có một mùi khó tả...
Trên quán có vài người khách thương hồ đang trao đổi nhau chuyện sông nước, chuyện lời lỗ, những chuyện lạ trên giang hồ, chuyện gặp bổi ( giang tặc)...tiếng khà cay sau ngụm rượu, tiếng  cười, làm không khí của vùng đất còn hoang dã có một chút sinh khí.
Hớp một ngụm đế cay xè, Tư xé một miếng khô cá lóc thơm lừng, vị giác reo vui khi tiếp xúc với vị ngọt của thịt cá và vị mặn của muối. Tư chợt nhớ nhà da diết, ba mẹ con nó có con khô nầy ăn sẽ mừng hết biết! Cá không đủ ăn lấy gì làm khô! bắt được con cá lớn chút, hai đứa nhỏ nhìn thèm thuồng nhưng phải bán để lấy tiền mua gạo! Chiều nay không biết mẹ con nó ăn cái gì? Cứ rau đồng với ốc luộc ăn hoài hai đứa nhỏ lớn không nổi!
_ Uống đi mậy đắp mô nãy giờ, nhớ vợ hả? Năm Cóc nói xong đưa tay gãi cái đầu hói!
_Đm! Đám muỗi nầy cứ đeo chích cái đầu hói của tao hoài!
Út Đực thò tay sau lưng luồn trong áo, bắt ra một con muỗi lớn hơn muỗi bình thường một chút, đè lên bàn giết.
_ Tổ bà nó! muỗi gì như kiến chui vô quần áo mà cắn!
Thấy chủ quán người phốp pháp ở trần lòi cái rún sâu hun hút đi tới lui trong quán, miệng bập  bập điếu thuốc rê, trên cây cột nhà dán đầy đuôi thuốc còn dư.
_ Hổng sợ muỗi chích sao cha nội? Út Đực hỏi
_ Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ, tụi nó với tui là bạn mà, có bữa nhậu xỉn gục tại chỗ, sáng ra thấy tụi nó cũng nằm la liệt trên sàn say quắc cần câu luôn! Cũng nhờ vậy cá vùng nầy nhiều dữ trời ( quá trời ).
Tư nhìn chủ quán với ánh mắt khâm phục! Chủ quán quay lại hỏi:
_ Mà mấy cha xuống đây kiếm việc làm hả? Mấy anh em năm ngoái có xuống đây phải không? Tui thấy quen quen.
Hai Tẹt trả lời:
_Ừ! Mà anh thứ mấy để kêu cho dễ.
_ Tui tên tám Tửng, lúc này việc ở đây bao la, sáng mấy cha ra uống cà phê tui chỉ cho, có việc rồi mấy cha cứ ghi sổ thải mái, giang hồ tứ hải giai huynh đệ mà.
Tư xuống ghe chui vào nóp, vài con muỗi bay theo chui vào tóc, phải dùng tay bắt ra từng con, mấy chung rượu làm Tư ngà ngà say, Tư thấy mình trở về nhà ba mẹ con mừng rỡ chạy ra, Tím e thẹn trong chiếc áo  bà ba bông tươi rực rỡ...con Nâu thằng Tí súng sính trong bộ đồ mới, tay cầm bịch bánh ăn ngon lành...Tư mĩm cười chìm trong giấc ngủ.
 Trời hửng sáng trên mặt kinh còn đọng lớp sương trắng đục mờ ảo, những chiếc ghe chạy qua làn sương xoay cuộn vào nhau không muốn tách rời, những cơn sóng đánh tạt vào bờ, bụi ô rô nghiêng ngả run rẩy trên mặt nước. Những chiếc ghe vội vã lướt đi tranh sống, để có những bữa cơm đầy đủ, và nụ cười của trẻ thơ được trọn vẹn.
 Sau khi nói chuyện với chủ nhà, thóa thuận giá cả để đào một cái đìa lớn cho kịp mùa mưa, anh em rất vui vì chủ nhà đã rộng rãi trả tiền thỏa đáng. Anh em vội vã trở lại ghe lấy cuốc xẻng để bắt tay vào việc.
 Tư khập khiễng đi sau, bỗng có một con chó từ trong bụi rậm lao ra ôm chân Tư cắn! Tư la lên:
Chó! Chó! Chó cắn tui anh em ơi, mọi người vội vã chạy lại, út Đực xông vào dùng bàn tay gân guốc bóp chặt cổ con chó, nó kêu lên đau đớn vội nhả ra, nó gầy yếu cố vùng vẫy thoát chạy, út Đực với thân hình vạm vỡ xách bổng con chó lên ném nó ra xa, con chó rớt mạnh xuống đất kêu oẳng oẳng khập khiễng chạy lủi vô bụi rậm.
_ Có sao hông mậy? Thằng xui thiệt!
_ chắc hổng sao đâu anh hai, tui bị chó cắn hoài cũng vì què chậm chạp, tui lấy thuốc rê cầm cũng hết chảy máu thôi.
Tư lấy một cục thuốc rê đắp vô chỗ chó cắn thấy cũng khá sâu và rỉ máu ra cũng khá.
_ Thôi để tao với năm Cóc trở dìa ghe lấy đồ nghề, út Đực mầy ở đây giúp thằng Tư, nếu nó đau đi không được thì dìu nó dìa ghe rồi đi thẳng ra đám ruộng thằng cha chủ nhà chỉ hồi nãy.
_ Đm! Xui tận mạng mới ra quân đã đổ máu. Năm Cóc cằn nhằn !
_ Không sao đâu chút bớt đau tui đi làm.
_ Đm! Kiếm thằng nào chủ chó mắng vốn, chó gì mà cắn người, đem làm thịt nhậu mẹ nó đi. Út Đực bực tức nói.
_ Ở đây mênh mông nhà nầy cách nhà kia xa lắc, biết chó nhà ai mà mắng vốn, xui thì ráng chịu! Hai Tẹt nói rồi cúi xuống xem vết chó cắn của Tư, thấy cũng không nặng lắm, rồi lắc đầu bỏ đi theo năm Cóc.
_ Mày thấy đỡ chưa? Nó cũng hết chảy máu chắc không sao, mầy nhắm đi làm được hông?
_ Không sao đâu anh Út, thấy cũng đỡ đau rồi, thôi  tụi mình ra chỗ đào đìa đi, trời còn mát tranh thủ mà làm.
 Lo làm Tư cũng quên đau, sình cũng lấp đầy chỗ chó cắn. Trời trưa muốn đứng bóng
_ Nghỉ tay đi tụi bây, tao có mua mấy gói mì, bắt ấm nước là có ăn, ăn xong nghỉ chút rồi đào tiếp. Hai Tẹt nói.

Ăn gói mì xong, Tư ngồi vấn thuốc hút, đầu đội nón lá rách, trời nắng chang chang làm người thấy mệt, năm Cóc và út Đực đang lui cui đào hang bắt chuột đồng bỏ vô cái thùng thiếc dùng để đựng nước.
_ Chiều nay có mồi nhậu rồi, làm mệt mà mồi có nhiều để nhậu là phái rồi! Để chiều nghỉ kiếm hang rắn hổ đào bắt một con cho thằng Tư bồi dưỡng  lấy độc trị độc nghe mậy. Năm Cóc cười hề hề nói, Tư cảm thấy trong lòng ấm áp vì được anh em quan tâm.
 Ánh nắng nhạt dần, chiều đang xuống, trên mặt ruộng đã có hình dáng của một cái đìa lớn,  hai Tẹt có vẽ hài lòng:
_ Chắc cũng phải trên nửa tháng mới xong, mỗi ngày đào được ba lớp là nhiều, càng đào xuống sâu càng chậm hơn, thôi dìa anh em, tắm rữa xong làm vài xị cho đỡ mệt.
 Tắm xong, Tư coi lại chỗ chó cắn, không còn ra máu nhưng chỗ đó bị sưng lên.
_ Chút mầy lấy rượu đế đổ lên, trong uống ngoài xức cho mau hết nhức, mẹ họ! Xứ mình nghèo nhưng có trạm y tế, còn ở đây nghe nói cũng có nhưng ra đó  chưa chắc gặp ai! mấy thằng y tá đi nhậu hết! Còn nghe bà mụ ai đau đẻ phải đi kiếm bả, bả đi đánh tứ sắc ở đâu đó! Năm Cóc nói xong thở dài!
 Tư lui cui nướng mấy con chuột đồng mập ú, mùi hành tỏi, mỡ chuột chảy ra thơm lừng làm Tư nuốt nước miếng ừng ực!
_ Chín chưa mậy? đói bụng quá rồi! thơm quá chịu hết nổi. Út Đực kêu lên, mồi ngon rượu cay mấy anh em quên hết nỗi nhọc nhằn...
_ Hai Tẹt làm mấy câu cho đỡ nhớ nhà coi cha.
" Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi... Trời ơi! Giữa chiến trường sa cơ thọ tiển nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu... Hà...." tiếng ca của hai Tẹt khàn khàn làm lòng Tư chùng xuống! Hoàng hôn còn sót lại chút nắng trên rặng cây tràm, bầy ong cũng ngừng hút mật bông, từng đàn chim đủ loại xoãi cánh bay về tổ, tiếng dơi kêu chít chít gọi đàn rủ nhau đi ăn đêm.
Không biết mẹ con nó lúc này ra sao? Tím có đi xin mấy tàu dừa nước về che mái chòi để rồi mưa xuống dột hết làm sao ngủ!
Ngày qua ngày công việc càng nặng vì càng đào sâu hất đất bằng len lên bờ càng nặng vì càng đào sâu hất đất lên cao càng nặng, chủ nhà cũng tốt bụng bồi dưỡng cho anh em ít món ăn, cũng bắt thêm được rùa rắn chuột nên chiều về lai rai vài xị anh em cũng hồi phục sức khỏe lại.

 Cơn mưa đầu mùa đổ xuống, bầu trời xám xịt mưa rã rích suốt ba bốn ngày, cây cỏ xanh tươi muỗi càng nhiều, những con vắt nhỏ bắt đầu xuất hiện, cong mình bò đi như sâu đo tìm người để hút máu...những con đường đất nhỏ trơn trợt lầy lội, tiếng gió hú trên không đầy đe dọa và giận dữ của thiên nhiên, trên cánh đồng đã loang.loáng bóng nước.
 Đang làm Tư bỗng thấy mắt tối xầm, tay chân bải hoải người bừng bừng sốt, tay cầm cây len không muốn nổi! Tư ngồi thụp xuống dưới đáy đìa, mưa rơi lộp độp trên nón lá ,thấm ướt đôi vai làm lạnh run lên.
_ Mày sao vậy Tư, bệnh hả? Út Đực hỏi
_ Sao tui thấy khó chịu quá tay chân bủn rủn hết!
_ Chắc mày bị trúng gió rồi! Làm không nổi nữa leo lên bờ ngồi nghỉ đi.
Tư chống cái len để đứng dậy mặt mày xây xẩm muốn té! Ráng leo lên nhưng không nổi, trợt lên, trợt xuống, út Đực thấy vậy giúp Tư leo lên bờ.
_ Cái thằng xui thiệt, mới bị chó cắn chưa lành giờ lại bệnh nữa! Út Đực thở dài .
Tư nằm sóng xoài sau đống đất lấy nón lá úp mặt lại mặc cho mưa ướt cả người...
Thấy một lúc lâu, không nghe Tư động tịnh, hai Tẹt leo lên khều nhẹ Tư,
_ Mày thấy sao Tư, nếu mệt quá lội về ghe nằm nghỉ đi, nằm đây thấm mưa bịnh nặng thêm.
Tư lồm cồm ngồi dậy, đội nón loạng choạng đứng dậy, từng bước khập khiễng đi trong mưa, đường ruộng lồi lõm trơn trợt Tư trợt ngã mấy lần, mình mẩy đầy sình bùn, qua làn mưa mỏng Tư thấy như thấp thoáng căn chòi của mình, Tư ráng lết cái chân què của mình để về được yêu thương đầm ấm...
 Thấy Tư về sớm một mình, tám Tửng chủ quán hỏi
_ Ủa! Sao về sớm vậy Tư? Mặt mày đỏ lòm vậy, lấy thuốc tao mua ngoài chợ Cà Mau uống đi rồi nằm nghỉ.
Tư khoát nước dưới kinh rửa sơ, thay quần áo khô rồi chui vô nóp nằm, cơn sốt ập đến, chỗ chó cắn đến hôm nay vẫn còn đau, sình bùn bám hàng ngày làm vết thương không kịp kéo da non. Tư chìm trong hôn mê tiếng rên phát ra nghe thê thảm...
 Hai ngày qua, Tư vẫn nằm mê man không ăn uống gì! Lúc thì gọi tên vợ con lúc thì gầm gừ như chó!
Mấy anh em ngồi uống cà phê trên quán trước khi đi làm, ai cũng buồn hiu
_ Sao tui thấy thằng Tư chắc không xong quá mấy cha! Đêm qua nghe nó tru tui ớn lạnh xương sống luôn! Út Đực thở dài!
_ Thấy tội nghiệp nó quá quá, tàn tật lại nghèo nhứt xứ mà còn bị xui xẻo đủ chuyện! Nó mà bị chuyện gì vợ con nó sống làm sao đây! Năm Cóc rơm rớm nước mắt.
_Thôi bữa nay hai đứa mày đi làm, cao chở nó ra nhà thương huyện, chứ không lẽ để nó nằm hoài như vậy sao? Hai Tẹt nói xong đứng dậy định đi hỏi thăm tám Tửng đường ghe chạy ra huyện,  thì tám Tửng bước tới kéo ghế ngồi xuống.
_ Tui nói cho mấy cha nghe, tui cũng nghi thằng Tư bị chó dại cắn, hôm qua ở xóm trên người ta mới đập chết một con chó điên, hổm rày nó cũng cắn mấy người rồi! mà ở đây bị chó dại cắn có tiền đưa lên thành phố thì sống nhưng phải đi liền.
_ vậy bây giờ tính sau đây? hai Tẹt bối rối ngồi gãi đầu, khuôn mặt càng khắc khổ thêm!
_ Để tui tính cho, mấy cha cứ việc đi làm đi, tui xuống ghe thường coi chừng nó cho, để tui kêu con vợ tui nấu miếng cháo cá lóc, chút nó tỉnh dậy kêu nó ăn rồi uống thuốc, thuốc gì thấy bán ngoài chợ Cà Mau nói trị rắn cắn biết đâu may thầy phước chủ nó hết bịnh hổng chừng, để tui kêu con mẻ nấu liền, mấy cha cứ đi làm đi.

 Tư thấy sao tối quá, im lặng quá! Thấy mình đang đi về nhà vui quá! Trong túi có mớ tiền, cái giỏ đệm đầy nhóc khô cá sặc con bự bự không! Tư thấy Tím và hai đứa nhỏ đang ăn mấy cọng bông súng luộc chấm muối trừ cơm! Tư chạy lẹ la lên " có khô nè mẹ con tụi bây ơi" nhưng không ai nghe! Tư cố chạy tới, chỗ chó cắn cũng không còn đau, cơn sốt cũng không còn khó chịu, cái chân què cũng trở lại bình thường nhưng chạy hoài cái chòi vẫn ở xa, Tư gào lên, kêu tên vợ con...buông cái giỏ đệm đựng khô để chạy cho lẹ...cái chòi vẫn ở xa, hình ảnh ba mẹ con, mờ dần...mờ dần...
  Chiều mưa nặng hạt, mấy anh em nóng ruột vội vã chạy về ghe, thấy bà con đứng trên bờ chỉ chỏ xuống ghe, vừa thấy đám hai Tẹt, tám Tửng trong quán vội bước ra nói:
_ Thằng Tư nó " đi " rồi mấy cha ơi!
_ Trời! Cả ba cùng kêu lên, bước xuống ghe nhìn vào mui, hai Tẹt mở nóp vuốt mắt Tư những sợi tóc còn lung lay theo gió! Trên đầu Tư một cái lon sữa bò cắm vài cây nhang, khói bay mờ mờ trong mui ghe, trên phần bụng một nải chuối còn xanh dằn lên.
_ Bà con nghe nó chết xúm lại lo cho nó, lúc nó đi ná gào thảm thiết quá. Tám Tửng nghẹn ngào! Năm Cóc, út Đực lấy vạt áo lau nước mắt, chân tay còn dính đầy bùn.
 Hai Tẹt qua ra chấp tay xá xá bà con còn đứng trên bờ.
_ Anh em tui cũng cảm ơn anh Tám và bà con đã giúp đỡ.
_ Hai đứa mày lo cơm nước xăng dầu, tao chạy lại nhà chủ đất xin ứng mớ tiền, tối nay mình đưa thằng Tư về cho nó gặp vợ con.
 Trời mưa giăng giăng trên mặt kinh, chiếc ghe lầm lũi rẽ nước trở về quê, trong mui ghe ngọn đèn bão đung đưa mờ mờ ảo ảo, chiếc nóp của Tư đã đậy kín, khói nhang uốn éo bay theo gió, bên cạnh chiếc nóp cái bình nhôm đựng nước méo mó và cái giỏ đệm đựng khô theo Tư trở về quê!
 Tiếng máy đuôi tôm đều đều trong đêm mưa tạt ướt mặt, mắt thấy cay cay chảy   theo giọt mưa vị mằn mặn đọng trên đầu lưỡi hai Tẹt...


Vũ Hoàng viết xong 2015

No comments:

Post a Comment